Lịch sử hoạt động 61-K 37 mm

61-K từng được sử dụng trong Thế chiến thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam, Nội chiến Lào, Nội chiến Campuchia và nó đã rất hiệu quả trong việc tạo hỏa lực phòng không tầm thấp đến tầm trung, kể cả việc hỗ trợ hỏa lực mặt đất.

Thế chiến thứ hai

61-K chính thức được sử dụng tại Mặt trận Xô-Đức năm 1941. Ở trạng thái chiến đấu, nó tạo một màn hỏa lực dày đặc từ 0m đến độ cao 6.000 mét. Bấy giờ, gần như tất cả máy bay của phát xít Đức đều nằm trong tầm bắn của 61-K. Nó phối hợp cùng các loại pháo 57 mm, 85 mm, súng máy DShK 12,7 mm lập bức tường phòng không đa tầm hiệu quả. Tổng cộng đã có 14.657 máy bay các loại của Đức Quốc xã bị bắn hạ bởi pháo 37 mm.

Chiến tranh Triều Tiên

Trong Chiến tranh Triều Tiên, 61-K 37 mm được sử dụng nhằm bảo vệ các khu vực chỉ huy, căn cứ, kho tàng vật chất của quân Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều TiênLiên Xô. Nó phối hợp cùng các máy bay tiêm kích MiG-15 của không quân đã bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của máy bay Hoa Kỳ như F-86 Sabre, F9F Panther, F4U Corsair và máy bay ném bom tầm trung như B-25.

Chiến tranh Đông Dương

Những khẩu súng phòng không 61-K ở phía sau cùng những khẩu DShK ở phía trước của Việt Minh sử dụng tại Điện Biên

Sau Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu có được những viện trợ quý giá từ Liên Xô thông qua chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó có những khẩu đội súng phòng không 12,7mm DShK-38. Không lâu sau, tháng 5 năm 1951, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thành lập Đại đội 612, đơn vị phòng không đầu tiên sử dụng 4 khẩu 61-K 37mm loại 1 nòng có tấm chắn làm nòng cốt. Ngày 1 tháng 4 năm 1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được thành lập có khí tài nòng cốt là những khẩu pháo cao xạ 61-K 37 mm viện trợ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được biên chế thành 6 tiểu đoàn. Đến đầu năm 1953, phía Việt Minh đã có 8 tiểu đoàn phòng không, với 500 súng máy phòng không 12,7mm và 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 61-K 37mm. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không của Việt Minh đã kết hợp hỏa lực của pháo phòng không 61-K cùng với súng máy DShK 12,7 mm đã bắn rơi 50 máy bay, 2 trực thăng, gây hư hại cho gần 100 chiếc khác, góp phần giảm ưu thế tác chiến từ trên không của quân Pháp, đóng cửa khả năng tiếp viện cho quân Liên hiệp Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ.

Chiến tranh Việt Nam

Vào thời kỳ những năm 1956-1960, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu nhận được nhiều súng phòng không 61-K với nhiều phiên bản khác nhau từ Liên Xô. Hàng chục đơn vị pháo phòng không kết hợp súng 12,7 mm, 14,5 mm, 57 mm cùng 37 mm, 23mm đã được thành lập, được bố trí khắp miền Bắc và dọc theo tuyến đường Trường Sơn. Các đơn vị này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan, căn cứ quân sự, khu dân cư và các khu công nghiệp ở miền Bắc cùng những binh trạm ở Trường Sơn, ví dụ như trung đoàn pháo phòng không 218. Từ khi thành lập (21 tháng 3 năm 1958) đến khi kết thúc chiến tranh, đơn vị không chỉ tham gia phòng không mà còn hỗ trợ hỏa lực mặt đất. Trung đoàn tham gia đánh 1.977 trận bắn rơi 320 máy bay Mỹ, bắn chìm một tàu biệt kích, phá hủy một giàn radar, một kho xăng, phối hợp cùng bộ binh tiêu diệt 2.000 quân đối phương. Ngoài ra, 61-K cũng cực kỳ hữu ích khi dùng để chống bộ binh, ví dụ điển hình là vào cuối năm 1972, tiểu đội bảo vệ trận địa 4 khẩu pháo 61-K của Đoàn 559, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng pháo 37 mm tấn công bộ binh của địch trong chiến dịch Không Sê Đôn tại Lào.[2]

Hiện nay

Pháo 61-K 37 mm vẫn còn được sử dụng trong lực lượng phòng không của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng vẫn còn hữu ích trong việc tiêu diệt các mục tiêu máy bay tầm thấp, tầm trung và đánh chặn tên lửa hành trình tầm thấp. Hiện nay, 61-K đang được nhiều quân đội trên thế giới hiện đại hóa để có thể đáp ứng được với chiến tranh hiện đại.[3]